Rượu mầm thóc là loại rượu được nấu từ thóc mầm. Đó là một loại đồ uống rất đặc biệt của người Dao đỏ các tỉnh vùng núi phía Bắc. Rượu mầm thóc uống rất thanh, có độ thơm, cơ thể rất khoan khoái sau khi dùng rượu.
Nếu như bạn là người hay xê dịch, thích khám phá các nét văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc phía Bắc, thì chắc chắn bạn đã nghe tới rượu thóc của người H’Mông và rượu mầm thóc của đồng bào Dao đỏ. Rượu mầm thóc của người Dao đỏ được nấu từ những hạt lúa nương đang vào sữa. Lúc này, lúa nếp nương rất dẻo và có vị thơm ngậy rất ngon. Lúa nếp được tuyển chọn rất kỹ từ khâu đầu tiên. Những bông lúa trĩu hạt được thu hái về, sau đó được tuốt thủ công. Lúa được đem phơi khô khoảng 5-6 nắng ải. Rồi người ta đem thóc vào ủ khoảng 3 ngày cho những hạt thóc nứt mầm. Khi nào trên hạt thóc xuất hiện vết nứt trắng và mầm của nó chồi ra, thì người ta mang thóc đi luộc chúng.
Thóc được cho vào các chảo lớn luộc liên tục trong thời gian khoảng 5-6 tiếng đồng hồ. Khi luộc thóc, lửa yêu cầu phải đều, không được to quá sẽ làm cho thóc bị chín sớm và trào ra ngoài. Sau khi những hạt thóc đã chín đều, người nấu cho thóc ra những chiếc nong lớn để cho nguội dần.
Trong khi chờ thóc nguội, thì công việc chuẩn bị men ủ là lúc bắt đầu. Những quả men lá được người nấu lấy xuống từ trên gác bếp, cho vào cối và giã nhỏ ra. Nói tới men lá, loại men truyền thống nổi tiếng của người dân tộc. Mỗi một dân tộc khác nhau thì họ lại có 1 bí quyết làm men lá khác nhau, gia giảm khác nhau. Nhưng chúng đều có điểm chung là, men lá nấu rượu luôn cho chất lượng tốt nhất, rượu uống thơm ngon và không bao giờ đau đầu.
Khi thóc đã nguội dần, còn ấm ấm. Người ta cho men đã giã nhỏ trộn vào với thóc và đem ủ trong các xô đựng lớn. Quá trình ủ thóc lên men và cho nước ủ vào kéo dài trong khoảng 20-30 ngày liên tiếp. Việc thời gian ủ kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiệt độ nơi ủ, lượng men để cho thóc ngấu ra. Khi ủ, do thóc đã nứt mầm nên rượu cái sẽ ngọt hơn hẳn so với rượu thóc bình thường.
Quá trình chưng cất rượu mầm thóc cũng giống như các rượu truyền thống khác. Đầu tiên, người ta đặt 1 cái chảo lớn bên trong chứa nước và rượu cái đã ủ. Sau đó, họ đặt 1 cái chõ gỗ có đường kính khoảng 80 cm vào trên chảo, bên trong chõ gỗ có hệ thống máng dẫn rượu ra ngoài. Phía trên cùng là đặt 1 chiệc chảo, trong đó đựng nước lạnh mục đích nhằm ngưng tụ rượu để thu vào máng.
Mỗi một nồi nấu khoảng 50kg, thì người nấu rượu sẽ thu được khoảng 20 lít rượu cao độ 45 độ và 10 lít rượu 30 độ. Rượu đầu và rượu cuối được trộn chung vào nhau, tùy theo yêu cầu của người sử dụng. Thông thường, người vùng cao uống rượu thường có độ rượu rất cao. Họ uống cao để chống chọi với cái lạnh của miền núi, uống rượu cao độ mới “thấm” được cái hương vị của cuộc đời.
Rượu mầm thóc uống vào có vị thanh, vị ngọt hậu, mùi thơm quyến rũ hơn rượu thóc. Nếu bạn có uống quá chén thì chắc chắn hôm sau bạn vẫn sẽ cảm thấy khoan khoái như bình thường. Rượu mầm thóc trước đây chỉ được bà con người Dao đỏ tự nấu phục vụ nhu cầu gia đình. Nhưng ngày nay, thứ rượu này đã trở thành 1 thứ đặc sản đặc trưng mà ai cũng muốn được thử mỗi khi lên vùng cao. Ở các địa phương như: Bát Xát, Sa Pa của tỉnh Lào Cai, Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái,… đã có những Hợp tác xã đứng ra chuyên sản xuất loại rượu này như mô hình Rượu Hang Chú, Rượu thóc Nàng Đôn. Hy vọng, với chính sách ưu đãi, những hợp tác xã này sẽ sản xuất được những lít rượu mầm thóc thơm ngon ngất ngây, khẳng định chất lượng như vốn có của nó.
Tôi muốn mua men lá của người dao đỏ dùng để nấu rượu mầm thóc thì mua ở đâu
Để mua men lá, bác có thể liên hệ các làng nghề sản xuất men lá trên Cao Bằng, Hà Giang đều có bác nhé. Nếu bác cần giúp đỡ thì có thể liên hệ qua Công ty.